Nhiễm trùng bàn chân - biến chứng nguy hiểm của tiểu đường


>> Khái Quát Chung Về Bệnh Tiểu Đường
>> Kịp thời điều trị chứng tiểu đêm nhiều ở người bệnh đái tháo đường
Nhiễm trùng bàn chân rất hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường dạng 2 và có thể gây tàn phế nặng nề. Khoảng 50% trường hợp bị cắt cụt chân không phải do chấn thương có nguyên nhân từ biến chứng này.





Bàn chân tổn thương do tiểu đường có các biểu hiện sau:
- Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau, bàn chân bị biến dạng, các ngón chân quặp lại, đầu xương cụp xuống, tư thế bàn chân không khớp với giày hoặc dép.
- Có các cục chai ở gót chân, phía ngoài cạnh ngón út hoặc phía trong cạnh ngón cái. Lưu lượng máu ở bàn chân bị tổn thương gia tăng (mạch nảy mạnh, khi nằm các tĩnh mạch nổi phồng lên).
- Loét lòng bàn chân, diễn tiến qua các giai đoạn sau:
+ Giảm cảm giác đau, giảm khả năng chịu lực.
+ Da vùng chịu sức ép dày lên, hình thành bọng nước tại các điểm chịu sức ép. Các bọng nước này sau đó bị viêm và nhiễm trùng. Viêm xâm lấn, phá hủy mô xung quanh, gây hoại tử và các vết loét nhiễm trùng.
+ Bàn chân có thể bị sưng phù do suy hệ tĩnh                    


 mạch và suy tim, làm nặng thêm hiện tượng viêm loét.
+ Đàn ông dễ bị loét chân hơn phụ nữ, có lẽ do phụ nữ thường chú ý săn sóc cơ thể hơn.
Chi phí cho điều trị biến chứng này rất cao. Ở Mỹ, số tiền dùng để điều trị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường lên tới 1,5 tỷ USD/năm. Ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng đã tốn cả triệu đồng một ngày (chủ yếu là thuốc kháng sinh) mà vẫn không giữ nổi chân.
Các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm:
- Nội khoa: Dùng các thuốc giãn mạch, thuốc tăng cường mức độ di chuyển của ôxy vào trong mô, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu trong lòng mạch, thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra, phải bỏ thuốc lá, chống béo phì...
- Ngoại khoa: Gồm các phương pháp như làm cầu nối động mạch, tạo hình động mạch bằng can thiệp nội mạch, cắt lọc mô nhiễm trùng, cắt thần kinh giao cảm và cắt cụt chân (nếu các phương pháp khác thất bại). Ngoài ra, có thể cứu bàn chân bị loét bằng kỹ thuật ghép da. Việc thực hiện các phương pháp này rất công phu, đòi hỏi sự kiên trì ở cả bệnh nhân và bác sĩ vì phải mổ nhiều lần.
Trong các phương pháp điều trị ngoại khoa, cắt lọc mô nhiễm trùng là bước đầu tiên và rất quan trọng cho những bước điều trị tiếp sau. Nhờ cải tiến kỹ thuật cắt lọc mô nhiễm trùng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM đã giảm tỷ lệ cắt cụt chân từ 20% xuống còn 2-3%.
Tiễn sĩ Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, khác với các chứng nhiễm trùng chân khác, bệnh nhân bị loét chân do tiểu đường không được ngâm chân vào nước sát trùng hoặc nước nóng vì 2 lý do: Da bàn chân bị ẩm sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập; bệnh nhân có thể bị bỏng bởi nước nóng do bàn chân đã mất cảm giác, không phân biệt được nhiệt độ của nước.
Ngoài ra, người bệnh còn cần chú ý:
- Hoạt động thể lực đều đặn.
- Giữ gìn vệ sinh bàn chân, chỉ nên cắt móng chân sau khi tắm rửa (lúc móng còn mềm), cắt dứt khoát, không cắt sát da quá. Nếu móng chân mọc vào trong hoặc móng dày thì nên đến thợ.
- Đi khám bàn chân định kỳ 3-6 tháng/lần.
- Báo ngay cho bác sĩ những triệu chứng thiếu máu cục bộ ở bàn chân như: cảm giác kiến bò, da đổi màu, phù nề, phồng rộp, chấn thương hoặc có các cục chai.
Những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao cần lưu ý:
- Tự quan sát bàn chân mỗi ngày. Nếu không tự làm được, có thể nhờ người khác giúp đỡ.
- Không đi giày chật quá hoặc rộng quá, không đi giày cao gót. Trước khi mang giày, nên kiểm tra xem có vật lạ bên trong hay không. Chỉ nên mang giày trong 2-3 giờ. Những người có cục chai hoặc biến dạng bàn chân phải dùng các loại giày đóng riêng. Việc chọn giày cũng phải căn cứ theo khí hậu và lối sống, ví dụ không nên đi giày cao su vào mùa nóng...
- Rửa chân kỹ hằng ngày, thay tất và đế lót. Sau khi rửa chân, nên lau kỹ các kẽ ngón (đặc biệt là giữa kẽ ngón 3-4 và 4-5) bằng khăn mềm. Nếu da bị khô, nên bôi kem trung tính (không được dùng các thuốc chữa chai da). Để tránh bỏng chân, không nên đi chân trần trên nền nóng, rửa chân bằng nước nóng hay hơ chân trên ngọn lửa.
                                                                                                    Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Post a Comment

Previous Post Next Post