Những Thói Quen Tốt Đối Với Người Bệnh Tiểu Đường





Điều trị bệnh đái tháo đường không phải chỉ có việc dùng thuốc mà cần phải tạo cho bản thân một thói quen tốt, đó là thói quen tốt trong ăn uống, trong sinh hoạt cộng thêm một chế độ luyện tập hợp lý.
  1. Ăn và uống là một cách hưởng thụ hạnh phúc của cuốc sống
Điều đầu tiên để tạo một thói quen ăn uống hợp lý cho người bệnh đái tháo đường cần hiểu rằng khi mắc bệnh đái tháo đường không có nghĩa là phải kiêng ăn mọi thứ. Ăn uống không chỉ là nhu cầu để duy trì sựu sống mà còn là sự hưởng thụ hạnh phúc của con người. Bệnh đái tháo đường không ngăn cản người bệnh thưởng thức và tận hưởng những gì mình ưa thích. Nhưng để có một chế độ ăn thích hợp cho sức khỏe thì người bệnh đái tháo đường cần có những lời khuyên và sự hợp tác với thầy thuốc chuyên khoa, đặc biệt là các chuyên gia dinh dưỡng.
Một chế độ ăn thích hợp phải đáp ứng được các yêu cầu :
-         Đủ năng lượng cho hoạt động sống bình thường
-         Tỷ lệ thành phần các chất đạm, mỡ và đường cân đối
-         Đủ vi chất
-         Chia bữa ăn cho phù hợp với thay đổi sinh lý
-         Phối hợp với thuốc điều trị nếu có.
Một chế độ ăn đúng là không để tạo ra năng lượng dư thừa vì đó là nguyên nhân gây ra bệnh lý béo phì, một trong những nguy cơ cao làm cho bệnh lý đái tháo đường trở nên trầm trọng hơn.


Chế độ ăn đúng sẽ giúp duy trì lượng đường trong máu, không gây ra các biến chứng do tăng hay giảm đường máu.
Thế nhưng, không thể có một chế độ ăn chung cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường, mỗi người bệnh có một đặc điểm sinh lý riêng, sở thích riêng và mắc bệnh ở các mức độ khác nhau.. Vì vậy cách tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường để xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý cũng như tạo cho mình một thói quen ăn uống tốt đó là tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về bệnh đái tháo đường. Họ sẽ giúp cho bạn cách xây dựng những khẩu phần ăn và tư vấn cho bạn những vấn đề gặp phải trong quá trình ăn uống liên quan đến bệnh đái tháo đường mà bạn mắc phải. 
2.Luyện tập hàng ngày mang lại cho bạn những niềm vui, đam mê và hiệu quả phòng điều trị bệnh bất ngờ!

Bước tiếp theo trong việc điều trị bệnh đái tháo đường đó là tạo cho bản thân một thói quen hoạt động thể lực và luyện tập thể thao. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một chế độ luyện tập hợp lý có một vai trò quan trọng trong việc giúp kiểm soát đường huyết, tăng tiêu thụ năng lượng, làm giảm nguy cơ béo phì  và bảo vệ tích cực hệ thống tim mạch. Vận động thể lực cũng là giải pháp thoát ức chế về mặt tinh thần.
Vậy vận động thể lực đem lại lợi ích gì?
* Kiểm soát đường huyết
 Quá trình vận động thể lực tiêu tốn nhiều năng lượng cho cơ hoạt động và điều đố sẽ làm tăng tiêu thụ Glucose của cơ thể, giảm lượng Glucose lưu hành trong máu. Việc vận động thể lực một cách thường xuyên sẽ càng có tác dụng giảm đường máu một cách rõ rệt, bạn có thể tự mình đánh giá điều đó tại nhà bằng một máy đo đường huyết cá nhân, hãy kiếm tra đường huyết hàng ngày song song với việc thực hiện một chế độ luyện tập. Bạn sẽ tự mình thấy được kết quả.
 Hơn thế nữa việc luyện tập còn giúp cơ thể bạn tăng nhạy cảm với insulin máu, nhu cầu insulin sẽ giảm đi điều này rất quan trọng với những bệnh nhân ĐTĐ týp 2 vì tình trạng giảm độ nhạy cảm với insulin là nguyên nhân chính gây tăng đường máu ở người bệnh.
* Bảo vệ tim mạch
Biến chứng tim mạch là một trong những biến chứng nặng nề và làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, trong đó thường gặp là biến chứng tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành…Nguyên nhân là do sự đề kháng insulin, tăng huyết áp, béo phì, tăng triglyceride máu, giảm HDL cholesterol, tăng acid béo tự do. Vận động thể lực giúp làm giảm huyết áp cả tâm thu và tâm trương, đồng thời làm tăng tiêu thụ acid béo tự do từ 25-45% và tăng lượng HDL cholesterol trong máu. Tập luyện còn cải thiện chức năng tim mạch của bạn như làm giảm nhịp tim lúc nghỉ, làm tăng khả năng co bóp tống máu của tim.
* Lợi ích về mặt tâm lý
 Khi bạn tham gia vào một cuộc chơi, bạn sẽ quên đi những mệt mỏi , căng thẳng do công việc hàng ngày cũng như nỗi ám ảnh về bệnh tật của mình, điều đó mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, Bạn sẽ có cảm nhận về cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.
 Tuy nhiên không phải lúc nào vận động thể lực cũng đem lại cho bạn kết quả như ý muốn, nhất là khi bạn tập luyện một cách quá mức và không phù hợp với sức khỏe và thể trạng của mình, khi đó hệ tim mạch, xương khớp và rất nhiều cơ quan khác sẽ phải gánh chịu tác hại đó. Và nếu như bạn chỉ luyện tập một cách qua loa, không thường xuyên  thì bạn cũng không thu được kết quả gì.
Vậy hãy nhớ khi bạn quyết định thực hiện một chế độ luyện tập thì bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc chuyên gia để tìm ra phương thức luyện tập phù hợp với mình, và nhất là bạn phải có sự quyết tâm để thực hiện được điều đó vì sức khỏe của chính bạn.
 Nhưng không có nghĩa là tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều cùng hạt động thể lực và tập luyện thể thao ở một mức độ như nhau. Cách tốt nhất là hãy “lắng nghe cơ thể bạn và chia sẻ điều đó với thày thuốc và các chuyên gia!” 
 Hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với bạn:
 Tùy theo sở thích mà bạn lựa chọn môn thể thao tập luyện, điều đó trước hết sẽ tạo cảm giác thoải mái khi bạn tập luyện cũng như giúp bạn có thể duy trì việc tập luyện một cách lâu dài. Bạn nên lựa chọn một môn thể thao mà có thể cùng tập luyện với bạn bè, người thân tránh sự nhàm chán và có quyết tâm hơn khi thực hiện.
 Có rất nhiều môn thể thao mà bạn có thể lựa chọn từ mức độ nhẹ nhàng, như: đi bộ nhanh, chạy, đi xe đạp, khiêu vũ, cầu lông, tennis,….đến những môn thể thao đòi hỏi nhiều sự cố gắng hơn như bơi, cử tạ, tập yoga,…mỗi môn thể thao đều có ưu điểm, sự lựa chọn hàng đầu vẫn là những môn ít nguy cơ sang chấn, tổn thương tim, mắt, tăng huyết áp,...và dễ thực hiện, vừa với khả năng của bạn. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ để họ hướng dẫn cho bạn về thời gian, tần suất và cường độ  các buổi tập. 
Chọn không gian và thời gian cho việc luyện tập:
 Nếu là môn thể thao ngoài trời, như: bơi, đi bộ, chạy, cầu lông, tennis, làm vườn … Bạn hãy chọn cho mình một không gian thật trong lành và dễ chịu, một nơi có nhiều màu xanh và bạn có thể hít thở thật sau và sảng khoái. Đó là: các công viên, vườn hoa, các khu vực ven hồ, khu nghỉ dưỡng,… ở các thành phố; còn nếu bạn ở nông thôn thì điều đó lại càng dễ dàng! Quanh nhà bạn là màu xanh của những cánh đồng, những triền đê dọc bờ sông, những con đường làng rợp bóng cây, …  là nơi bạn có thể đi bộ, chạy vào buổi sáng, chơi cầu lông trong sân nhà,... Và đừng quên rằng chăm sóc cho cây cối quanh nhà bạn sẽ mang đến một niềm vui rất bất ngờ đấy!!!

 Nếu đó là: khiêu vũ, yoga, khí công, cử tạ,… đòi hỏi nhiều công phu và điều kiện hỗ trợ thì bạn không cần lo lắng nhiều mà chỉ cần quyết định! Bạn sẽ bị lôi cuốn và hấp dẫn với chúng nhanh hơn bạn mong đợi đấy!
 Đừng quên chọn thời gian phù hợp trong ngày cho việc luyện tập nhé, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Một điều chú ý là nguy cơ hạ đường huyết trong khi hoạt động và tập luyện đối với người bệnh đái tháo đường nên tất cả người bệnh đái tháo đường nên luôn luôn lưu ý rằng cần tham thảo ý kiến của bác sỹ điều trị cũng như chuyên gia luyện tập trước khi quyết định thực hiện một chế độ luyện tập nào đó. Và bạn không nên luyện tập khi bản thân đang có bệnh lý cấp tính hay đang giai đoạn nặng của bệnh.
Tóm lại, những bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng trong việc điều trị và chiến thắng căn bệnh tiểu đường không phải do thuốc hay do bác sỹ điều trị mà do chính bản thân người bệnh. Một ý chí để thay đổi và tạo dựng những thói quen tốt trong ăn uống và trong sinh hoạt sẽ rất có ích cho việc điều trị bệnh và đặc biệt là giúp  bạn giảm đi nguy cơ mắc phải những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
                                                                                                         (nguồn  daithaoduong.net)

Post a Comment

Previous Post Next Post