Ăn nhiều rau xanh giảm nguy cơ bệnh tiểu đường
Đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là bệnh lý rất “thời thượng” vì tốc độ phát triển đã gia
tăng quá nhanh trong thời gian gần đây.
Vì sao mắc bệnh này và làm cách nào phòng tránh là vấn đề được nhiều người quan tâm.Bình thường, chất đường từ thực phẩm ăn vào sẽ hấp thu vào máu, sau đó được đưa vào tế bào cơ quan bộ phận trong cơ thể nhờ chất insulin là một nội tiết tố do tuyến tuỵ tiết ra. Ở người đái tháo đường, chất insulin này được tiết ra không đầy đủ hoặc không hoạt động tốt làm cho lượng đường trong máu tăng quá cao, vượt khả năng giữ lại của thận, hậu quả là xuất hiện đường trong nước tiểu.
Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra bệnh lý đái tháo đường, đến nay đã thấy có rất nhiều yếu tố liên quan. Cụ thể, yếu tố di truyền được đề cập khá mật thiết.
Trên một số cơ địa đặc biệt, khi gặp phải các yếu tố thuận lợi sẽ dễ dàng phát thành bệnh. Những căng thẳng (stress) về thể chất hay tinh thần sẽ làm tăng các nội tiết tố gây stress và làm tăng đường huyết. Những nhiễm trùng siêu vi cúm, quai bị, Rubella, Coxsackie B… hoặc một số loại thuốc có thể làm tổn thương tuyến tuỵ gây giảm tiết insulin.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy đái tháo đường có thể là một bệnh tự miễn, tức là bệnh do cơ thể tự sinh ra các chất chống lại chính tuyến tuỵ của ta. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh bệnh đái tháo đường loại 2 (thường gặp ở người 45 tuổi trở lên) là các rối loạn chuyển hoá của cơ thể như thừa cân béo phì, ít vận động cơ thể, tăng mỡ trong máu, cao huyết áp, viêm tuỵ, rối loạn đường huyết lúc đói, rối loạn dung nạp đường, phụ nữ có tiền căn sinh con trên 4 kg (đái tháo đường thai kỳ)…
Như vậy, mặc dù có ảnh hưởng của các yếu tố di truyền – cơ địa nhưng việc phòng tránh đái tháo đường xảy ra trên từng cá thể vẫn có thể thực hiện được. Cụ thể bằng chế độ ăn uống điều độ và hợp lý, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, giữ mức cân nặng lý tưởng so với chiều cao. Một chế độ ăn nhiều rau (khuyến cáo 300g rau, củ/ngày cho người trưởng thành), khoai củ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây ít ngọt, thay một phần thịt bằng cá và đậu hũ, hạn chế thức ăn chiên, rán, quay nhiều dầu mỡ và các thức ăn, thức uống ngọt nhiều đường, kiểm soát lượng muối ăn… là rất cần thiết cho sức khoẻ. Đi bộ ít nhất 30 phút/ngày và liên tục 4 – 6 ngày/tuần là phương thức vận động thích hợp cho hầu hết các đối tượng. Các nghiên cứu cho thấy mỗi ngày cần bước đi từ 6000 đến 10.000 bước là rất tốt.
Việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm và thử đường huyết (sau khi nhịn đói 8 giờ) là những biện pháp cơ bản để tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý, giúp ích cho việc điều trị và hạn chết các biến chứng nặng nề của bệnh.
Tags:
chữa bệnh tiểu đường
chua tieu duong
chuabenhtieuduong
dai duong
dai thao duong
insulin
nguoi benh tieu duong
nguy co
phương pháp
phuong phap dieu tri